Janie Wray và các đồng nghiệp đang ở trạm nghiên cứu ngoài khơi bờ biển British Columbia khi phát hiện một con cá voi lưng gù bơi về phía nam, dù không thể sử dụng đuôi do chấn thương cột sống.
Họ đã sử dụng thiết bị bay không người lái để quan sát kỹ hơn và vây quanh màn hình máy tính xem đoạn phim. “Ngay lập tức, tất cả đều hiểu con cá voi rất có thể đã bị gãy cột sống”, cô nói. Gần như chắc chắn, đó là kết quả của một cuộc va chạm tàu.
Sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm đó là con cá voi mà họ đã biết, có biệt danh Moon.
Va chạm với tàu thuyền là một trong những mối đe dọa chính đối với cá voi. Theo Guardian, việc cá voi chết khi va chạm tàu thuyền thường chỉ là vấn đề thời gian.
Thế nhưng bất chấp điều này, hàng nghìn con cá voi vẫn có khả năng bị va chạm với tàu mỗi năm trong khi số lượng tàu tăng nhanh trên toàn cầu.
|
Cá voi lưng gù Moon với phần cột sống bị gãy. Ảnh: Pacific Whale Foundation/North Coast Cetacean Society.
|
Nguy hiểm từ các vụ va chạm
Hoạt động săn bắt cá voi thương mại, giết chết 3 triệu con cá voi trong thế kỷ XX, đã bị cấm ở hầu hết quốc gia vào giữa những năm 1980. Nhưng kể từ đó, một mối đe dọa khác tiếp tục gia tăng: Giao thông đường biển.
Số lượng tàu trên toàn thế giới đã tăng gấp 4 lần từ năm 1992 đến năm 2012.
“Thuyền chở hàng, thuyền đánh cá, phà… Lưu lượng tàu thuyền đang gia tăng trên toàn bộ phạm vi”, nhà nghiên Sarah Marley từ Trường Cao đẳng Nông thôn Scotland, cho biết.
Điều đó đúng ngay cả trong các khu vực sinh vật biển được bảo vệ, chẳng hạn xung quanh Inner Hebrides, nơi sinh sống của 1/3 cá heo cảng Scotland nhưng có lượng tàu thuyền qua lại tăng hơn 400%. Do đó, nguy cơ xảy ra các vụ va chạm, đâm chết đã tăng lên.
Dữ liệu toàn cầu còn hạn chế, nhưng nếu suy đoán từ các nghiên cứu trong khu vực, Sean Brillant của Liên đoàn Động vật Hoang dã Canada cho biết con số hàng năm là “lớn đến mức đáng kinh ngạc - hàng nghìn đến hàng chục nghìn”.
Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) cũng nhận định các vụ va chạm đang gia tăng. Phân tích cho thấy các loài dễ bị tổn thương đang gặp nguy hiểm trên toàn cầu: Từ cá voi xanh ở Chile đến cá nhà táng ở Địa Trung Hải.
Cho đến nay, có 2 giải pháp chính được đưa ra. Một là định tuyến lại các tuyến đường vận chuyển ra khỏi khu vực sống của cá voi. Biện pháp khác là giới hạn tốc độ, nhưng chúng được áp dụng khác nhau về quy mô và cách thức thực thi.
Ví dụ, mặc dù quy định giới hạn bắt buộc phải được tuân theo ở các khu vực trên bờ biển phía đông Mỹ để bảo vệ một số cá voi đầu bò cuối cùng tại Bắc Đại Tây Dương, chúng chỉ được khuyến nghị ở bờ biển phía tây.
|
Hàng nghìn con cá voi có khả năng bị va chạm với tàu thuyền mỗi năm. Ảnh: Reuters.
|
Điều đó có thể được cảm nhận ở kênh Santa Barbara ở California. Nơi đây là nhà của những con cá voi xanh, vây và lưng gù đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng đồng thời nằm trên tuyến đường vận chuyển bận rộn đến Los Angeles.
“(Nó) vô tình trở thành một trong những điểm nóng toàn cầu về sự va chạm giữa cá voi và tàu. Năm 2018, 2019 và 2021 đều là những năm kỷ lục xảy ra các vụ va chạm tàu ở đó”, Callie Steffen từ Đại học California Santa Barbara cho biết.
Steffen và các đồng nghiệp đã thực hiện dự án An toàn cho Cá voi vào năm 2020, dựa trên ý tưởng nếu thủy thủ đoàn nhận thức rõ hơn về cá voi, thì họ có thể lưu tâm hơn.
Họ theo dõi chúng và tính toán "xếp hạng sự hiện diện của cá voi".
Thông tin sau đó được gửi đến các tàu đến để nhắc nhở thuyền trưởng giảm tốc độ. Biện pháp này dường như hiệu quả: Năm 2019 có 46% số tàu chấp hành hướng dẫn và đến năm 2022 là 61,5%.
Ở hầu hết nơi có hướng dẫn tốc độ để bảo vệ cá voi, giới hạn là 10 hải lý/h hay khoảng 18,5 km/h.
Nhưng giống trường hợp của cá voi Moon, không phải tất cả cá voi bị va chạm đều chết ngay lập tức và nghiên cứu gần đây cho thấy ngay cả khi 95% tàu lớn trong kênh Santa Barbara giảm tốc độ xuống còn 18,5 km/h, thì tỷ lệ tử vong của cá voi chỉ giảm tối đa là 30%.
Họ phát hiện ra nguy cơ giết chết một con cá voi ở tốc độ 18,5 km/h vẫn còn khoảng 80% đối với các tàu lớn, trong khi đối với các tàu nhỏ hơn như tàu đánh cá, rủi ro vẫn ở mức trên 50%.
“Điều này có nghĩa: Thứ nhất là chúng ta không thể dựa vào hạn chế tốc độ để giải quyết vấn đề này… và thứ hai là chúng ta cần chú ý đến cả các tàu nhỏ”, Brillant nói.
Tìm kiếm giải pháp hiệu quả
Đối với Brillant, điều đó cho thấy cần có các khu vực cấm hoàn toàn, nơi không cho phép tàu thuyền qua lại. Nhưng những khu vực như vậy không thể được áp đặt ở mọi nơi.
Ông đề cập đến vịnh phía nam của Saint Lawrence, nơi cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương bơi giữa hai bãi kiếm ăn.
“Một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, đi vào Ngũ Đại Hồ, theo hướng đông - tây, trong khi những con cá voi đang bơi theo hướng bắc - nam. Không có giải pháp nào cho điều đó”, ông nói.
|
Hai con cá voi lưng gù ở Nam Đại Dương. Ảnh: Duke Marine Robotics and Remote Sensing Lab/ AP.
|
Một nhà vật lý chuyển sang nghiên cứu hàng hải cho hay ông đã tìm ra biện pháp hiệu quả hơn.
Ông phát triển một hệ thống phát tín hiệu cho các thuyền trưởng khi chuẩn bị xảy ra va chạm, kịp thời để chuyển hướng. Trong bài báo mới nhất, các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa khả năng tàu phát hiện ra cá voi kịp thời. Theo đó, phần mềm được nối với máy ảnh nhiệt sẽ phát hiện khí nóng thở ra qua lỗ thở trên bề mặt của cá voi.
Daniel Zitterbart cho biết đối với những con tàu nhỏ, dễ điều khiển, sẽ cần ít thời gian hơn để phản ứng. Xác suất “đã là 99%”. Các tàu container tốc độ cao, cồng kềnh cần nhiều thời gian cảnh báo hơn, vì vậy camera phải phát hiện cá voi khi chúng ở xa hơn.
“Hiện tại, (phạm vi phát hiện đáng tin cậy) là 2-3 km và chúng tôi cần nó tăng lên khoảng 4 km”, ông cho biết.
Các hệ thống phát hiện khác cũng đang bắt đầu xuất hiện: Orca AI, một công ty sản xuất hệ thống định vị tầm nhìn thông minh, gần đây đã thêm chức năng phát hiện cá voi.
Thế nhưng, vẫn còn một số trở ngại. Chẳng hạn, các thuật toán của OrcaAI chủ yếu phát hiện đuôi của cá voi, nhưng ông Zitterbart nói rằng cá voi chỉ lộ đuôi khi lặn.
Và ngay cả khi công nghệ này thực hiện đúng như lời hứa của nó, các công ty cần có động lực để đầu tư và để bắt đầu. Máy ảnh nhiệt có giá từ 30.000 đến 250.000 USD.
Sau tất cả, nói luôn dễ hơn làm. Trong lịch sử, chính sách cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại đã phải mất hàng thập kỷ để được triển khai.
Dù vậy, Wray hy vọng rằng câu chuyện của Moon sẽ là động lực và việc nói về Moon sẽ thúc đẩy các nhà lập pháp hành động, ít nhất là tại địa phương, như thiết lập khu vực giảm tốc độ dọc theo bờ biển British Columbia để tưởng nhớ cá voi.
“Tôi nghĩ nếu mọi người nghĩ về Moon, nếu họ nhìn thấy vụ va chạm của (cá voi), họ sẽ (giảm tốc độ) chậm lại”, cô nói. “Điều đó sẽ thực sự tuyệt vời”.
Theo Minh An/Zing